Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Ý tưởng


           Trâu là loài gia súc lớn, chuyên ăn cỏ. Người nuôi trâu có thể tận dụng  sức kéo và nguồn phân bón hữu cơ của chúng trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, món đặc sản  thịt trâu ngày càng được ưa chuộng và phổ biến trên thị trường. Trung bình mỗi năm trâu sinh một lần. Sau khoảng ba năm ra đời, trâu con sẽ trưởng thành và bắt đầu thời kỳ sinh sản. Vì là loài vật nuôi được thuần dưỡng từ ngàn xưa ở Việt Nam nên Trâu có sự thích nghi cao với các kiểu khí hậu và sức chống chịu tốt, ít bệnh tật. Trâu còn là loài động vật rất hiền lành và gần gũi với mỗi người dân Việt Nam. Giá trị của mỗi con trâu trưởng thành trên thị trường tương đối lớn. Vì thế nếu nuôi trâu ở quy mô trang trại cỡ vài chục con có thể làm giàu nhanh chóng.

Nuôi trâu - Ảnh internet

              Hiểu rõ những tiềm năng và lợi thế của địa phương, huyện Vị Xuyên đã xây dựng kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi theo vùng có điều kiện, nhằm chuyên canh đàn trâu hàng hoá chất lượng cao. Về cơ cấu đàn, đưa tỷ lệ đàn cái sinh sản chiếm trên 50% tổng đàn, trong đó đạt nái tiêu chuẩn 30%, bình quân cứ 1 vạn con cái sinh sản thì có 500 con trâu đực giống đủ tiêu chuẩn để lai tạo và phối giống; khắc phục tình trạng lai giống cận huyết. Cùng với đó, huyện cũng tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi, quy hoạch vùng phát triển đàn trâu gắn với trồng cỏ; tuyển chọn con giống tốt; phòng, chống dịch bệnh…Đến nay, tổng đàn trâu của huyện có 30.649 con, đạt 87,8% so với mục tiêu kế hoạch đến năm 2010, tăng 22% so với năm 2005. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô theo hình thức trang trại; phong trào chăn nuôi trâu, bò giờ phát triển mạnh, thu hút nhiều cán bộ, đảng viên và hộ gia đình tham gia. Kết quả, số trâu nuôi giờ trong dân đạt trên 1.200 con. Cùng với đó, huyện cũng có kế hoạch cụ thể để phát triển đàn trâu dựa trên điều kiện, tình hình thực tế của từng vùng, xã. Đối với các xã Đạo Đức, Trung Thành, Việt Lâm…là những xã nằm trong vùng trọng điểm về chăn nuôi trâu hàng hoá của huyện, trung bình mỗi xã có hơn 2.220 con, năm 2008 đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010 sẽ có tổng đàn trâu, bò trên 10.000 con, chủ yếu là trâu. Trong năm 2008, để thực hiện việc nhân đàn, huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo các xã rà soát và nộp danh sách những hộ chưa có trâu nuôi cần vay vốn mua trâu. Huyện giao cho Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp, Chính sách xã hội huyện phối hợp với các xã và các ngành chức năng giải quyết cho 531 hộ ở 13 xã vay vốn, hỗ trợ 50% về lãi suất mua trâu, bò và tiếp tục triển khai cho nhân dân vay vốn mua trâu ở những xã còn lại trong những năm tiếp theo. Riêng đối với những hộ, trang trại có quy mô từ 20 con trâu, bò trở lên được huyện hỗ trợ 100% vắc xin để tiêm đủ 3 loại vắc xin LMLM, nhiệt thán và tụ huyết trùng, nhờ đó mà đàn trâu của huyện phát triển ổn định.
                Huyện Vị Xuyên có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu ấm và lượng mưa nhiều, có nhiều bãi chăn thả, tập quán chăn nuôi trâu lâu đời. Tuy nhiên, việc phát triển đàn trâu hàng hoá của huyện đến nay chưa thực sự tương xứng với tiềm năng; chưa hình thành được vùng chăn nuôi trâu hàng hoá một cách rõ nét. Đàn trâu rải đều ở các xã; hộ có quy mô nuôi từ 15 - 20 con trở lên còn ít; công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc trong dân còn chưa được chú trọng. Những hạn chế trong quá trình phát triển đàn trâu có nguyên nhân là từ trước đến nay, người dân coi trâu là công cụ sản xuất nông nghiệp, mỗi hộ chỉ nuôi từ một đến hai con là đủ cho sản xuất; giá thịt trâu thường thấp nên không khuyến khích được người dân phát triển đàn trâu.
                 Để thực hiện được mục tiêu đạt tổng đàn trâu đến năm 2010 là 33.800 con, đòi hỏi huyện Vị Xuyên cần có kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp; cùng với việc tuyển, lai tạo giống, huyện, xã cần tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi trâu, trồng cỏ, cách làm chuồng trại chống rét vào mùa đông; vận động nhân dân chăn nuôi nhốt chuồng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh cho đàn trâu để người dân từng bước nâng cao nhận thức và biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trâu hàng hoá.
               Chăn nuôi trâu nói chung và chăn nuôi các loài gia súc ăn cỏ như ngựa, dê, cừu, nai, hươu, … là một tiềm năng phát triển kinh tế lớn ở các vùng núi đá phía bắc vốn còn nhiều khó khăn nhưng lại có nhiều cỏ và cây bụi. Tuy nhiên, cũng cần phát triển song song với việc đưa các giống cỏ mới năng suất cao vào trồng, nghiên cứu và chế biến thức thức ăn dự trữ tốt để đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài của đàn đại gia súc ăn cỏ  trong huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang



                                                                  Phạm Thị Hợi tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét