Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Quê

        Anh Hải là con trai một của cả dòng họ Nguyễn ở làng Văn thuần nông ven sông Hồng. Sau anh có tới bốn cô em gái. Bố anh lại là trưởng họ. Khỏi phải nói, bố, mẹ và ông nội cưng nựng anh như thế nào. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân khá nghèo, nhưng anh muốn gì được đấy. Bố mẹ và ông nội cưng chiều anh hết mức. Có cái gì ngon cũng dành phần ăn cho anh đầu tiên. Khi anh ăn chán, thứ còn lại mới được chia đều cho các em gái còn lại. Cháu trưởng đích tôn của dòng họ Nguyễn mà. Chả gì bố anh cũng là ông cán bộ của thôn, dòng tộc cũng có mấy người cử nhân, thạc sỹ. Anh hễ sổ xít hắt hơi là cả nhà được phen nháo nhào. Nào hái lá thuốc để nấu nước tắm, nào đi mua thuốc, nào đi mua đồ ăn ngon bổ dưỡng ... Anh Hải tận hưởng những đặc quyền, đặc lợi đó một cách hiển nhiên và hạnh phúc.


        Cả dòng họ nhà anh được phen nở mày, nở mặt với xóm làng khi anh đỗ đại học Mở với số điểm khá cao. Ngày ấy, những năm 90 của thế kỷ trước, đỗ đại học không nhiều và dễ như bây giờ. Trong một lớp may ra có một vài em đỗ ngay năm đầu tiên. Ai cũng mừng cho gia đình ông Hưng, bố anh. Có người còn đưa con gái đến lân la muốn kết thông gia với gia đình ông. Mang quà cáp qua lại nhà ông để học hỏi cách nuôi dậy con cái và xin tý lộc học hành ở nhà ông. Âu cũng là cái phúc, cái lộc của nhà ông.
         Ông đã rất hài lòng và hạnh phúc vì điều đó. Ở cái làng quê thuần nông nghèo khó này. Cuộc sống của đa phần nhân dân là trên đồng ruộng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Người phụ nữ đa phần cả đời không bước ra khỏi lũy tre làng. Thế nên chỉ những người ăn học thành tài mới có cơ đổi đời thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. 
         Ngày anh Hải về thủ đô nhập học đem theo bao hi vọng, ước mơ và hoài bão của cả đại gia đình. Anh chỉ cần viết thư về cần cái gì thì bố mẹ anh lập tức chạy đôn, chạy đáo đi mua đi sắm, đi vay, đi mượn họ hàng và người quen gửi cho anh. Ai cũng mừng cho gia đình ông và tặc lưỡi, cứ cho nhà ông vay, sau này cậu ấm công thành danh toại trở về thì họ lại trả mất làm sao được. Hơn nữa lại được tiếng tốt là biết giúp đỡ người khác. Biết đâu con cháu sau này lại được hưởng lộc từ cậu ấm Hải.
            Thế là cuộc sống của anh ở chốn đô thành không thiếu một cái gì, sự học cứ thế băng băng thuận lợi. Anh lọt vào mắt xanh cô đại tiểu thư, nhà giàu sụ ngay trung tâm thành phố Hà Nội. Anh thì chẳng thích cách ăn mặc hở hang và thói chơi bời, không biết trên biết dưới của mấy tiểu thư gốc hà thành. Anh đã quá quen với những người phụ nữ nông dân chân lấm, tay bùn chốn làng quê cả đời chỉ biết cúc cung phục vụ chồng và con. Nhưng mà gia đình anh cứ vun vào, chả gì lấy cô ấy gia đình vợ cho cả một cái nhà mặt phố to tướng ngay phố Tràng Tiền đông đúc của Hà Thành. Căn nhà ấy giá trị bằng tài sản nhà anh mấy đời cộng lại. Còn nhà chị kia cũng chẳng ưng cái thằng nhà quê nghèo rếch ấy. Nhưng chết cái con gái họ quá si tình và lỡ mang thai với anh ta. Mà xem ra cái thằng cũng mặt mày sáng sủa, tướng tá đàng hoàng, học hành giỏi giang. Họ đồng ý với điều kiện phải cấm tịt cái bọn nhà quê lam lũ nhà anh qua lại với anh ở thành phố cho nhà bà đỡ rắc rối và xấu hổ vì lấy rể nhà quê nghèo. Anh đồng ý trong sự hân hoan và hạnh phúc vỡ òa của cả đại gia đình. Họ bảo anh lấy được vào gia đình ấy ngang chuột xa trĩnh gạo. Tài sản nhà ấy cho anh ăn cả đời không hết. Một đám cưới  rình rang, cũng nhà hàng khách sạn diễn ra khiến bố mẹ anh ở quê được dịp nở mặt với họ hàng làng xóm. Dĩ nhiên đám cưới do nhà gái chịu. Sau đám cưới, hai vợ chồng dọn ra căn nhà giữa phố buôn bán đông đúc của Hà Nội sinh sống. Họ mở quầy bán và sửa chữa điện thoại giữa thời điểm nghề này đang lên như diều trước gió. Anh nghiễm nhiên trở thành người thành phố, và là ông chủ. Anh có tiền! Hạnh phúc của cả đại gia đình anh lại vỡ òa trong niềm sung sướng khi đứa con trai đầu lòng của anh chị ra đời.

 Phố Tràng Tiền
Phố Tràng Tiền - Ảnh internet

            Nhưng cũng chính đứa bé ấy lại là dấu mốc đánh dấu cho sự đổ vỡ đến hoang tàn cuộc đời anh. Vốn quen được cưng chiều, thích gì được đấy và thiếu sự răn dậy nghiêm khắc của gia đinh. Thế nên trong thời kỳ vợ mang bầu và sinh em bé phải kiêng cữ anh đã khá thản nhiên đi qua đêm với gái. Khi vợ sinh xong trở nên xồ sề xấu xí, lại suốt ngày phải chăm sóc đứa nhỏ không quan tâm đến anh nhiều nữa. Lại sinh tật hay giận dỗi và cáu gắt và đôi khi lên  mặt bà chủ với anh . Chẳng như những cô gái yêu kiều luôn ngọt ngào, khêu gợi và xinh đẹp  hay đến cửa hàng anh  sửa điện thoại. Đôi mắt họ luôn lúng liếng đưa tình trước chàng công tử trẻ, đẹp trai, giàu có giữa chốn kinh kỳ. Giờ thì anh thấy vợ cái gì cũng không vừa mắt nữa. Anh đang bị mê trong những lời ca ngợi, tán dương. Ngất ngây tận hưởng thành quả lao động của mình, anh phiêu lưu mạo hiểm tình cảm với một cô gái xinh đẹp, kiều diễm và luôn coi anh là một ông chủ lớn, một doanh nhân thành đạt và có học thức. Chứ không phải một gã nhà quê nghèo đói và bám vào nhà vợ để có thể đứng lên. Anh công khai cặp bồ và thường xuyên cãi vã và hành hung với vợ.
             Bố mẹ vợ anh ức đến nghẹn cổ. Cái thằng nhà quê tráo trở và lật mặt. Chỉ vì đống tiền của gia đình bà mà lao vào lấy con gái bà. Giờ thì chẳng cần che đậy, anh trơ trẽn thể hiện bộ mặt thật đểu cáng của mình. Xót con, thương cháu. Ông bà nén giận vào lòng vẫn ngọt ngào, đon đả cho rằng lỗi tất cả đều là của con gái mình. Binh và nịnh con rể chằng chằng hi vọng anh này nghĩ lại. Được thể bố mẹ bênh vực, anh càng chẳng tỏ ra khách sáo nể nang vợ nữa. Anh thô bỉ với cô.
            Việc kinh doanh chung của hai vợ chồng khiến anh rất bức súc vì cứ có cảm giác làm thuê cho vợ. Và anh không thể gửi tiền về cho bố mẹ và các em ở quê đang ngày đêm trông ngóng. Vì tiền làm ra vợ anh quản lý chặt chẽ từng đồng. Thế là anh quyết định ly hôn  khiến chị vợ há hốc cả mồm. Anh ngăn nhà làm hai và tự mình kinh doanh. Đúng là chưa khỏi chòng đã cong đuôi. Mẹ vợ anh ức nghẹn cổ phải vào viện nằm mấy hôm liền. Nhưng họ vẫn còn hi vọng vì nhà vẫn liền kề. Đứa con nhỏ xinh đang bi bô tập nói cứ chạy qua lại bên bố bên mẹ. Họ vẫn là một gia đình. 
            Khi có giấy chứng nhận đã ly hôn, anh Hải ngang nhiên dẫn cô bồ xinh đẹp về nhà sinh sống. Hai người cứ như chim chíc chim chòe ngay trước mắt người vợ cũ và đứa con thơ dại khiến chị này cứ nước mắt ngắn dài , mắt lúc nào cũng xưng hum húp. Thương con, thương cháu và xót của, mẹ vợ anh đang đêm đập cửa ùm ùm đến mắng chửi anh Hải là đồ vô ơn bạc nghĩa. Nhờ ai mà anh có ngày áo gấm về làng như ngày hôm nay. Mà vừa ly hôn hôm trước đã rước vợ mới hôm sau về sinh sống ngay trong ngôi nhà mà cả đời hai vợ chồng bà cũng phải vất vả bán buôn mới có được. Bà túm tóc đuổi cổ cô bồ của anh Hải, định cho cô ta một mẻ ra trò nhưng anh con rể bất nhân thất đức của bà đã không để cho bà làm như thế. Hắn  thẳng tay dùng sức trai tráng đánh bại bài già đã sáu mươi một cách dễ dàng. Bà phải vào nhập viện, bị gãy hai xương sườn và dập một lá lách. Mặt thì sưng húp vì bị ông con rể quý hóa cho một cái bạt tai thẳng tay.

Bệnh viện - ảnh internet

            Nằm trong bệnh viện dưỡng thương, mắt bà cứ tuôn dài những dòng lệ cay đắng xót xa. Cả đời bà buôn bán, gặp không biết bao loại người trên đời thế mà bà , chồng bà và con gái bà đều bị mắc lừa cái thằng nhà quê trẻ danh. Bi kịch tưởng đến đấy là đã lên đến đỉnh điểm. Ai ngờ anh con rể bất nhân của bà còn gửi đơn kiện bà về tội xâm phạm tư gia bất hợp pháp và áp đáo tại gia. Khi cán bộ phường nhận đơn tố cáo và tiến hành xác minh sự việc họ đã đau đầu không hiểu về sự lẫn lộn giữa chủ và khách trong căn nhà ấy. Cuối cùng mới vỡ lẽ ra căn nhà đó vẫn đứng tên mẹ vợ anh Hải. Họ đã cho con gái làm quà khi cô đỗ đại học nhưng chưa sang tên đổi chủ. Lâu rồi họ cũng quên bẵng đi. Thế là từ bệnh viện bà uất ức bò bề đuổi cổ thẳng anh Hải và cô tình nhân ra khỏi nhà và khóa trái cửa rồi vào viện nằm điều trị tiếp. Lúc này anh Hải mới trắng mắt ra. Hóa ra anh đã lật ngửa ván bài quá sớm. Anh quay lại lăn lóc cầu xin và  bám vào đứa bé. Cầu xin mãi không được. Anh ta bắt cóc,  đưa nó về quê và giao cho bố mẹ và các em mình trông giữ nhất định không để co vợ anh gặp đứa bé. Lấy nó ra làm điều kiện trao đổi buộc gia đình vợ anh phải sang tên cho anh nửa căn nhà đó cho đẹp mặt anh với họ hàng. Và anh cũng vừa vay mượn một khoản tiền lớn ở quê để sửa sang đàng hoàng chuẩn bị đón bố mẹ và cô em gái đang học ở thành phố ra đấy ở.
           Dù sao anh ta cũng là bố đứa trẻ, đứa trẻ là cháu đích tôn của dòng họ nhà anh. Chị vợ đang khóc rở mếu rở và thất điên bát đảo thì bà mẹ vợ được ra viện. Tận mắt chứng kiến sự tàn nhẫn và bất nhân của anh con rể với mình, bà không còn một chút nhân nhượng nào với anh nữa. Bà gửi đơn kiện anh về tội hành hung, xâm phạm tư gia và bắt cóc trẻ con. Vì dù sao đứa bé đó đã được tòa án giao cho chị vợ nuôi dưỡng. Anh không có quyền bắt cóc nó và cấm vợ cũ mình được gặp mặt đó. 
          Tội danh được thành lập, ngày công an đến nhà còng tay anh đưa vào tù mẹ anh chạy theo nước mắt chảy như mưa. Bà không thể hiểu nổi tại sao con trai mình lại có tội khi đem cháu nội mình về quê chơi với ông bà vài tháng. Hóa ra anh Hải cũng biết xấu hổ với gia đình mình. Cả làng quê nhỏ bé xôn xao, xì xào khiến bố mẹ anh Hải chẳng biết dấu mặt đi đâu lại cõng thêm một đống nợ do mới sửa nhà. Âu cũng là cái họa của người chỉ biết chăm nuôi con mà không biết dậy dỗ cho con thành người tử tế đàng hoàng.

            Giờ này anh Hải đang ngồi trong trại giam thụ án. Hẳn anh cũng đã suy nghĩ và ân hận thật nhiều sau những gì đã xẩy ra. Chị vợ anh may mắn tìm lại được hạnh phúc muộn màng với anh người yêu cũ. Người vẫn độc thân dõi theo bóng hình của chị bấy lâu. Ngày đó anh đã cố thuyết phục chị đừng có tin những lời ngọt ngào nhưng man trá của gã trai quê nghèo nhưng bất thành mà lại còn làm cho chị giận. Cưới, chị cũng không thèm mời anh. Giờ chị đang gục ngã giữa dòng đời xuôi ngược, anh dang tay đón đợi chị. Đứa bé được đổi sang họ của anh. Vì không ai trong gia đình chị còn chịu đựng nổi khi có cái gì vương vấn đến anh Hải nữa. Âu cũng là cái phúc của họ.

                                                                      Tác giả: Phạm Thị Hợi

Xem thêm các bài viết



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét