Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

số phẩm chất

      Tâm hồn những đứa trẻ luôn ngây thơ, trong sáng. Chúng thật sự là những người lương thiện. Nhưng do những hoàn cảnh sống khác nhau, chúng trở nên khác nhau. Những đứa trẻ thường giống tính cách của mẹ, của bố chúng. Bởi vì thường thì đấy là những người có ảnh hưởng đến nhận thức và tâm hồn của trẻ nhất. Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nhận thức tư duy của trẻ! Nó trở thành một phần quan trọng trong nhân cách của trẻ. Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình triệu phú, nó sẽ có xu hướng trở thành một triệu phú. Một đứa trẻ lớn lên trong cảnh nghèo hèn, thường có xu hướng trở thành một người nghèo hèn trong xã hội. Những đứa trẻ lớn lên trong trại trẻ mồ côi, thường ít thành đạt hơn những đứa trẻ khác trong xã hội. Tôi từng gặp một đứa khi còn bé đã đi bán báo trong tổ bán báo xa mẹ, nhưng khi nó đã là một người thanh niên trưởng thành, nó vẫn đi bán báo! Nhìn cảnh nó cầu xin, nài nỉ người ta mua từng quyển báo trên xe khách mà tôi thấy rơi nước mắt. Tôi không phải khóc vì xúc động bởi những lời nó van xin. Tôi khóc vì sao nó đã trưởng thành mà vẫn có những lời van xin như một đứa trẻ khốn khổ, yếu hèn! Bởi vì môi trường sống của nó như thế, nên nhân cách của nó cũng tương tự như thế!

      Nhân cách của con người hoạt động mạnh mẽ nhất ở độ tuổi trước 30, sau đó nó rất ít khi thay đổi, trừ khi có những đột biến bề nhận thức, tư duy và hành động. Thật ra trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, nhân cách luôn có sự phủ định biện chứng với thế giới xung quanh. Những điều xấu, điều chưa tốt sẽ bị thay thế bằng những điều tốt đẹp, mạnh mẽ hơn, phù hợp với hoàn cảnh sống hơn. Cho nên chúng ta phải luôn cảnh giác với những gì nhìn thấy, nghe thấy, đọc thấy, và hành động của bản thân. Đừng chủ quan với những điều xấu, vì cho rằng bản thân đã trưởng thành. Tôi từng biết một chiến sĩ công an tài năng đã lọt vào một tổ chức tội phạm để điều tra án. Vì còn rất trẻ, lại phải hành động như một tên tội phạm trong tổ chức đó, thế rồi nhân cách của anh ấy bị biến đổi. Những điều tốt đẹp mất dần đi, thay vào đó là phần nhân cách của những tên tội phạm. Một số phẩm chất của con người anh ấy bị thoái hóa. Anh ấy đã bị tội phạm hóa! Cuối cùng thì anh ấy đã bị sa thải khỏi nghành công an! Người đời nhìn anh ấy khinh ghét vì những gì anh ấy đã làm. Còn những đồng đội của anh chỉ xem những việc anh làm là một tai nạn nghề nghiệp. Bởi vì họ biết không phải chỉ có riêng anh bị như vậy. Nhưng anh đã đi xa hơn nhiều người, và đã bị sa thải! Cho nên mỗi năm ít nhất một lần chúng ta hãy nhìn nhận và đánh giá lại bản thân. Để sửa những lỗi sai về nhân cách của bản thân. Chỉ có như thế cái sự tốt đẹp của chúng ta mới bền vững được!

                                                              Tác giả: Phạm Thị Hợi

Đọc thêm các bài viết  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét